Nhiều gia đình vẫn có quan niệm rằng phải đến hết rằm tháng giêng thì mới hết Tết, vì vậy các gia đình thường mua sắm một khối lượng lớn thực phẩm đủ dùng qua rằm, hoặc thậm chí là gần hết tháng giêng Âm Lịch và hệ quả là tủ lạnh của gia đình nào cũng đầy ắp đồ ăn.
Hoặc những người con xa quê, bố mẹ vẫn thường nhồi nhét thực phẩm để con đem đi ăn dần, khối lượng thực phẩm tồn này tăng đáng kể.
Sau Tết, nhiều gia đình “lỡ” mua quá nhiều thức ăn nên phải “chật vật” để giải quyết hết đống thức ăn thừa còn lại. Điều đáng lo ngại là miền Bắc đang có thời tiết nóng ẩm nên những thực phẩm còn tồn lại sau Tết rất dễ trở thành mầm bệnh cho cả gia đình.
Các thực phẩm tồn dư sau Tết đa phần đều giàu dinh dưỡng, nhiều mỡ như: bánh chưng, xôi nếp, các loại giò chả, thịt đông. Sự giàu có về dinh dưỡng cộng thêm thời tiết nóng ẩm của mùa xuân là môi trường lý tưởng để vi khuẩn, nấm mốc và các độc tố sinh sôi.
Nhiều người thấy giò chả bị nhớt bên ngoài, không còn mùi thơm đặc trưng mà vẫn cố ăn, đặc biệt là bánh chưng rán là món khoái khẩu sau Tết vì dễ ăn, lại được cho là an toàn. Nhiều gia đinh đã để lâu đến mức bánh bị vữa hoặc mốc nhưng vẫn đem rán lên và ăn, một phần suy nghĩ chủ quan ăn đại, bụng tốt chắc không sao hoặc nghĩ là rán lên thì vi khuẩn đã chết và không gây hại cho sức khoẻ.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, dù đã có bỏ phần bánh chưng bị hỏng hoặc chế biến bằng cách rán lên nhưng nấm mốc vẫn có thể xâm nhập sâu vào bên trong, người dùng vẫn phải đối mặt với nguy cơ ngộ độc, nhẹ thì đau bụng và nặng thì là tiêu chảy.
Một số thực phẩm khác cần lưu ý như: trái cây, các loại thực phẩm đã nấu chín để lâu sẽ mất dần các chất dinh dưỡng và bị các loại vi khuẩn xâm nhập cũng gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ.
Mọi người hãy cẩn thận với các loại thực phẩm này, đồng thời cảnh báo ngay cho người thân để tránh sử dụng các thực phẩm đã bị độc hại.
Xem thêm: Ăn tối lúc 2h chiều – Bí quyết giảm cân hiệu quả và đảo ngược bệnh tiểu đường