Bệnh Tiểu Đường Là Gì? Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Phòng Ngừa

0
3138
benh-tieu-duong-la-gi

Bệnh tiểu đường là căn bệnh nguy hiểm, có thể dẫn đến tàn phế và tử vong. Dự tính đến năm 2030, cả thế giới sẽ có hơn 500 triệu người mắc bệnh tiểu đường, chiếm đến 80% gánh nặng y tế ở các nước thu nhập trung bình – thấp.

Hôm nay, thucphamchonguoibenh.com sẽ phân tích kỹ về căn bệnh này nhằm đưa đến cái nhìn tổng quan nhất cho bạn đọc.

Bệnh tiểu đường - hình 2

1. Bệnh tiểu đường là gì?

Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện Trưởng Viện dinh dưỡng quốc gia cho biết, bệnh tiểu đường là căn bệnh rối loạn chuyển chất bột đường gây tăng đường huyết mãn tính, hậu quả của sự thiếu hụt hoặc giảm insulin hoặc kết hợp cả hai.

Bệnh tiểu đường gồm 2 loại là bệnh tiểu đường tuýp 1 và bệnh tiểu đường tuýp 2

  • Bệnh tiểu đường tuýp 1: chiếm khoảng 5-10% số người bị bệnh tiểu đường, đối tượng chủ yếu mắc phải là người dưới 30 tuổi, thậm chí ở cả trẻ em 15 tuổi. Nhiều người gọi loại này là bệnh tiểu đường vị thành niên.

tre vi thanh nien thich an ngot - benh tieu duong

Các nhà khoa học cho biết rằng hầu hết những người bị bệnh tiểu đường tuýp 1 là do hệ thống miễn dịch của cơ thể bị xâm nhập bởi các vi khuẩn, vi rút có hại phá hủy các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy.

  • Bệnh tiểu đường tuýp 2: chiếm khoảng 90% số người mắc bệnh tiểu đường, đối tượng chủ yếu trên 40 tuổi và người béo phì. Trong những trường hợp này, tuyến tụy không sản xuất đủ insulin hoặc kháng với insulin, không cho insulin chuyển đường từ máu vào các tế bào.

Mỗi người có thể tự đo đường huyết tại nhà hoặc tại phòng khám để kiểm tra xem mình có mắc bệnh tiểu đường hay không.

benh tieu duong tuyp 2

Nếu đo đường huyết tại nhà, người đo cần chọn loại máy tốt, còn hạn sử dụng, bán tại các tiệm thuốc để đảm bảo số liệu cho ra là đúng.

Thời điểm đo đường huyết tốt nhất là lúc đói, sau ăn 8 tiếng hoặc sau khi thức dậy, chưa ăn uống gì cả. Người đo cần đảm bảo vệ sinh tuyệt đối ở nơi trích máu trước và sau khi thử.

Theo hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, mức đường huyết an toàn như sau:

  • Trước bữa ăn: 90 – 130 mg/dl
  • Sau bữa ăn 1 – 2 giờ: nhỏ hơn 180 mg/dl
  • Trước khi đi ngủ: 110 – 150 mg/dl

may do duong huyet cua benh tieu duong

Nếu mức đường huyết của người đo cao hơn mức an toàn, hãy đến các trung tâm y tế làm xét nghiệm đường huyết chính xác hơn và thăm khám tình trạng sức khỏe toàn diện hơn.

2. Nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu đường là gì?

Hiện nay, các chuyên gia vẫn chưa kết luận được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, y học đã ghi nhận các trường hợp phổ biến gây ra bệnh bao gồm:

  • Yếu tố di truyền

Theo các chuyên gia, khả năng mắc bệnh theo gen di truyền đã được đình hình từ lúc trẻ còn trong bụng mẹ. Do đó khi cha hoặc mẹ bị bệnh tiểu đường, đứa con hoàn toàn có khả năng mang gen bệnh.

benh tieu duong co the do di truyen

Các nghiên cứu về di truyền bệnh tiểu đường trong gia đình cho thấy khả năng con cái bị di truyền từ cha mẹ lên đến 75% nếu cả cha và mẹ đều mắc bệnh tiểu đường.

Nếu trong gia đình, chỉ có cha hoặc mẹ bị bệnh tiểu đường thì xác suất đứa con bị bệnh là 15-20%.

  • Những thói quen ăn uống thiếu khoa học

Các nhà khoa học cho rằng những thói quen ăn uống sau đây gây ra bệnh tiểu đường: ăn bánh ngọt, ăn đồ ăn nhanh, ăn nhiều muối và uống nhiều rượu,…

Các loại bánh ngọt rất hấp dẫn nhưng lại là loại thực phẩm dễ dàng phân hủy thành các loại đường đơn giản không tốt cho sức khỏe và làm đường huyết tăng cao.

banh ngot la nguyen nhan cua benh tieu duong

Việc nạp nhiều thức ăn nhanh như khoai tây chiên, hamburger, gà rán,…  vào cơ thể rất dễ dẫn đến tình trạng béo phì và tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Bên cạnh đó, việc nạp lượng muối quá mức cho phép vào cơ thể cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu đường. Vì muối có thể gây ra sức đề kháng insulin, một tình trạng dẫn đến bệnh tiểu đường.

Người uống nhiều rượu sẽ có sự biến động mạnh mẽ lượng đường trong máu, mất kiểm soát trong việc lựa chọn đồ ăn nên vừa dễ tăng cân, vừa dễ mắc bệnh tiểu đường.

  • Người béo phì

Ở người béo phì, đặc biệt người béo bụng, khả năng giảm đường huyết của insulin đặc biệt thấp hơn, gây ra tình trạng tăng đường huyết.

Theo nghiên cứu tại Đại học Washington, tỷ lệ người trưởng thành bị béo phì tại Việt Nam được ghi nhận là thấp nhất thế giới, chỉ khoảng 1% dân số.

beo phi la nguyen nhan benh tieu duong

Nhưng với sự xuất hiện của các cửa hàng thức ăn nhanh ngày càng dày đặc hiện nay cho thấy thói quen ăn uống của giới trẻ đang dần thay đổi. Nguy cơ mắc bệnh béo phì cũng sẽ tăng cao trong tương lai.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người béo nào cũng mắc bệnh tiểu đường, vì sự xuất hiện của bệnh cần có thời gian và phụ thuộc khả năng thích ứng của cơ thể.

  • Stress

Ngày nay, con người rất dễ bị stress. Stress chính là những áp lực và lo lắng mà con người phải chịu trong công việc và cuộc sống. Khi áp lực vượt quá mức chịu đựng, người bệnh sẽ có biểu hiện tiêu cực, ảnh hưởng nhiều đến thần kinh, sức khỏe và thói quen sinh hoạt.

Theo các nghiên cứu uy tín cho biết, người bị bệnh stress thường có thói quen quá nhanh và ăn vặt nhiều lần trong ngày.

cang thang la nguyen nhan cua benh tieu duong

Họ thích ăn vặt với những món ngọt để trấn an tinh thần và nạp nhiều thực phẩm hơn người bình thường.

Tình trạng này dễ dẫn đến bệnh béo phì và không kiểm soát được lượng thực phẩm nạp vào cơ thể, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường sẽ rất cao.

3. Những dấu hiệu nhận biết của bệnh tiểu đường

Các chuyên gia đã kết luận rằng những dấu hiệu nhận biết của bệnh tiểu đường thông thường là:

  • Khát nước thường xuyên, còn gọi là tiêu khát

Theo bác sỹ Kimbre Zahn, Đại học Indiana, tình trạng sức khỏe thông thường nhất liên quan đến việc khát nước quá mức là dấu hiệu của căn bệnh tiểu đường.

khat nuoc thuong xuyen la dau hieu cua benh tieu duong

Bệnh tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2 có thể làm cho cơ thể khó kiểm soát mức glucose trong máu. Điều này khiến thận sản xuất ra nước tiểu nhiều hơn để thoát ra cùng chất dư thừa, gây mất nước.

Khi cơ thể bị thiếu nước, cơ thể sẽ có phản ứng là xuất hiện cảm giác khát nước, khát khô cổ rất nhiều lần.

  • Đi tiểu nhiều hơn bình thường, đặc biệt vào ban đêm

Vì các tế bào không hấp thụ được đường nên thận phải cố gắng đào thải qua đường nước tiểu. Vào ban đêm, người bệnh sẽ rất khó ngủ vì đi tiểu nhiều lần.

Ngoài ra, do phải uống nhiều nước để bù lại tình trạng mất nước trong cơ thể nên người bệnh càng phải đi tiểu nhiều hơn.

Chẳng những đi tiểu nhiều lần hơn, mà lượng nước tiểu cũng ngày càng nhiều hơn. Lâu ngày, tình trạng này sẽ ảnh hưởng không tốt đến chức năng của thận.

  • Các vết thương lâu lành hơn bình thường

Khi lượng đường trong máu cao, các tĩnh mạch, động mạch sẽ bị tổn thương. Điều này gây ảnh hưởng đến khả năng vận chuyển máu đến các tế bào khiến vết thương lâu lành hơn.

vet thuong lau lanh la dau hieu benh tieu duong

Trường hợp này rất nguy hiểm vì vi khuẩn dễ dàng phát triển, có thể dẫn đến hoại tử nếu không điều trị đúng cách. Nguy cơ bị cắt bỏ chi rất cao để bảo toàn tính mạng.

  • Sụt cân bất thường

Khi cơ thể bị thiếu hụt insulin, glucose không đi vào trong tế bào được, cơ thể sẽ sử dụng protein từ cơ thể để bù đắp năng lượng. Lúc này, bệnh nhân rất dễ bị sụt cân nhanh chóng dù ăn nhiều.

sut can bat thuong la dau hieu cua benh tieu duong

  • Cảm giác tê ngứa và đau đớn ở các đầu chi

Bệnh tiểu đường gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh. Người bệnh sẽ có cảm giác tê, ngứa ran kèm theo cảm giác đau, viêm.

Nếu không được kiểm soát, các tổn thương thần kinh có thể là vĩnh viễn, gây nên những rối loạn nghiêm trọng khác.

4. Các cách phòng ngừa bệnh tiểu đường

Cách phòng ngừa bệnh tiểu đường tốt nhất là ăn uống khoa học, nghỉ ngơi điều độ và tập thể dục đều đặn.

thuc don mau cho nguoi benh tieu duong

Bác sĩ Bùi Minh Đức, Phó Trưởng Khoa Nội chung của bệnh viện Vinmec khuyên rằng: để ổn định đường huyết, mọi người nên ăn uống đúng cách, tránh ăn các bữa lớn và phải chia nhỏ bữa ăn thành ba bữa chính.

Ngoài ra, khi ăn cần ăn chậm, nhai kỹ và ăn đúng giờ, tránh bỏ bữa ngay cả lúc bệnh, thấy chán ăn.

Bữa ăn phải cân đối giữa các chất đạm, chất bột đường, chất béo, vitamin và khoáng chất. Ăn đa dạng các loại thực phẩm với số lượng và thời gian hợp lý.

Chế độ ăn uống khoa học để phòng ngừa bệnh tiểu đường tốt nhất như sau:

thap dinh duong cho nguoi benh tieu duong

  • Ăn nhiều rau, quả trong bữa ăn hàng ngày. Đây là nguồn chất xơ, vitamin và khoáng chất tự nhiên dồi dào. Đồng thời, rau, quả cũng là loại thực phẩm có có hàm lượng chất chống oxy hóa cao, giúp thúc đẩy hệ thống miễn dịch cơ thể.
  • Giảm ăn thịt, tăng cường ăn cá 2-3 lần mỗi tuần nhé. Nếu muốn ăn thịt, bạn nên chọn loại không có mỡ, thịt gia cầm thì nên loại bỏ da vì trong da có rất nhiều cholesterol.

Cá là nguồn cung cấp chất béo và chất đạm thay thế cho thịt rất tốt. Các bạn nên ăn nhiều cá ngừ, cá hồi, cá mòi, cá thu vì rất giàu axit béo omega 3.

  • Tăng cường ăn thực phẩm tươi và các món luộc, hạn chế ăn thức ăn chiên rán nhiều dầu mỡ.
  • Không uống nhiều nước ngọt và bánh kẹo có đường nhân tạo gây hại cho sức khỏe.

benh tieu duong nen kieng an nhung thuc pham nay

Bên cạnh việc ăn uống khoa học, chúng ta còn cần nghỉ ngơi hợp lý và tập luyện thể dục đều đặn.

Vận động thể lực sẽ giúp tăng sức chịu đựng cho tim và giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn.

Các chuyên gia khuyến cáo rằng, chúng ta nên tập thể dục khoảng 30 phút mỗi ngày, 3-4 lần mỗi tuần để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Bên cạnh lợi ích phòng bệnh tiểu đường, việc tập thể dục còn đem đến những tác động tích cực sau:

  • Giúp cho da thêm săn chắc và khỏe mạnh
  • Giúp ngủ ngon hơn
  • Giúp não nhạy bén hơn
  • Tinh thần thêm phấn chấn
  • Giúp sống hạnh phúc và tích cực hơn

tap the duc giup ich cho benh tieu duong

Ngoài các cách phòng ngừa trên đây, các chuyên gia khuyên rằng mọi người nên đi khám sức khỏe và kiểm tra đường huyết định kỳ tại các bệnh viện hoặc trung tâm y tế uy tín. Việc này sẽ giúp chúng ta kiểm soát được tình trạng sức khỏe tốt nhất. Hạn chế việc bệnh tiểu đường đã phát triển nặng, điều trị tốn kém.

Trên đây là những thông tin hữu ích về căn bệnh tiểu đường sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ thêm về loại bệnh nguy hiểm này. Nếu còn thắc mắc gì về căn bệnh trên, hãy gửi câu hỏi về thucphamchonguoibenh.com để được giải đáp tốt nhất. Cảm ơn các bạn đã theo dõi.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here